Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the wp-pagenavi domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/tanirucode/domains/demo.taniruco.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 6114
Đại biểu Quốc hội nói 'cây cao su thải khí CO2 là xuất phát từ cảm xúc cá nhân' - TRC
CÔNG TY CỔ PHẦN CAO SU TÂY NINH
TAY NINH RUBBER JOINT STOCK COMPANY

Đại biểu Quốc hội nói ‘cây cao su thải khí CO2 là xuất phát từ cảm xúc cá nhân’

23/05/2022

Ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – đã thẳng thắn trao đổi với VietTimes quan điểm trước phát ngôn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp (tên thường gọi là Ksor Phước Hà) rằng “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó” mà bà phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Rừng công nghiệp không đi đôi với đa dạng sinh học

– Thưa ông, hiện tại dư luận đang quan tâm và có những luồng ý kiến trái chiều về đặc tính của cây cao su. Bắt nguồn từ phát biểu của ĐBQH Ksor Phước Hà (Gia Lai) cho rằng cao su là loại cây độc, hấp thụ O2 và thải ra CO2, tức trái ngược với các loài thực vật thông thường. Về góc độ sinh học, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Ngô Sĩ Hoài: Phát biểu của đại biểu Ksor Phước Hà chỉ đúng một nửa nếu xét theo đặc tính sinh học. Cây cao su cũng như các loài cây khác, hút khí ôxy (O2), thải khí cacbon điôxit (CO2) khi hô hấp ban đêm. Còn ban ngày, khi có ánh sáng mặt trời thì cây quang hợp, hút CO2 trong sinh quyển, lưu giữ trong sinh khối thân và rễ cây, vì thế cây và rừng được mệnh danh là “bể chứa” CO2, đồng thời nhả ôxy góp phần duy trì sự sống trên trái đất.

Tôi cho rằng Đại biểu Ksor Phước Hà “căm ghét” cây cao su và phát biểu như vậy là xuất phát từ cảm xúc, nhận định cá nhân, nhằm lên án một thực tế là ngay tại Gia Lai – vùng đất Tây Nguyên quê hương của bà – có khá nhiều diện tích rừng tự nhiên, chủ yếu là nghèo kiệt, đã bị chuyển đổi thành trang trại cao su. Thậm chí, không loại trừ tình trạng những diện tích rừng tự nhiên còn tương đối tốt đã bị lạm dụng chặt phá để trồng cao su.

Theo tôi nhớ, trước đây cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã phải suy xét rất nhiều, từ thực tiễn trong và ngoài nước, trước khi chủ trương coi cây cao su là cây đa mục đích, vừa cho thu nhập từ khai thác mủ và gỗ cao su, vừa tạo tàn che, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Về phát ngôn gây tranh cãi, cá nhân tôi cho rằng việc này phải “sòng phẳng”, dù là ĐBQH hay dân thường, nói chưa đúng, nói sai thì phải cải chính, phải xin lỗi. ĐBQH lại càng phải cầu thị, phải ứng xử chuẩn mực.

– Trên thực tế, rừng cao su nói riêng và các loại rừng trồng cây công nghiệp nói chung hầu như không có sinh vật sinh sống. Nếu không phải do tác động của CO2 như ĐBQH nêu, ông có thể giải thích hiện tượng này như thế nào?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Trong rừng trồng cây cao su, trang trại cây cao su hay các loài cây công nghiệp khác ít có sinh vật sinh sống chủ yếu do mật độ cây trồng cao, người trồng cây công nghiệp lại phải thâm canh, chăm bón nhiều, dẫn đến trường hợp không còn chỗ cho cây cỏ. Từ đó, các loài chim thú cũng không có đủ điều kiện để trú ngụ và sinh sống. Đối với rừng cao su nói riêng, có thể một phần do mủ cây độc hại, lại phát lộ thường xuyên do khai thác mủ, khiến các loài sinh vật sợ và không dám đến ở.

Thực tế, khi đầu tư tiền bạc và công sức để trồng cây công nghiệp hay trồng cây keo, cây bạch đàn thuần loài để khai thác gỗ, chúng ta không nên kỳ vọng về đa dạng sinh học. Chỉ có rừng tự nhiên nếu được quản lý tốt mới có thể giúp chúng ta bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện Việt Nam đã dành gần 2,2 triệu ha diện tích rừng tự nhiên tốt nhất – tương đương trên 20% tổng diện tích rừng tự nhiên hiện có – để duy trì hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên phục vụ cho mục đích này.

Chuyên gia về gỗ và lâm sản khẳng định cây cao su cũng quang hợp vào ban ngày (hấp thụ CO2 nhả O2) và hô hấp vào ban đêm (hấp thụ O2 thải ra CO2). Ảnh: Bộ TN&MT.

Phát triển nền lâm nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu là điều cần thiết

– Trong phiên chất vấn, ĐBQH Ksor Phước Hà có ý cho rằng cây cao su, cà phê, tiêu không thể được được tính vào tỷ lệ cây phủ rừng vì đây không phải là những loài cây có lợi cho môi trường. Theo ông, ý kiến phản đối tính diện tích trồng cao su vào tỷ lệ cây phủ rừng có đúng không?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có sự tranh luận rất gay gắt, rằng liệu có nên coi cây cao su là cây rừng hay không. Cây cao su vốn là cây rừng, có xuất xứ từ các khu rừng rậm Amazon của Nam Mỹ, được người Pháp nhập nội vào nước ta từ đầu thế kỷ XX. Cao su được gây trồng theo hình thức trang trại ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, gần đây mở rộng phát triển ở các vùng như Tây Bắc, Bắc và Nam Trung Bộ. Cây cao su có chu kỳ trồng khoảng 25 năm, gỗ có đường kính 25 – 35 cm, cây cao trên dưới 10 m. Ở những nơi đất trống, đồi trọc, dù chúng ta có tính hay không tính đến thì cây cao su khi trồng với mật độ dày vẫn tạo ra tàn che. Còn đối với cây cà phê và tiêu, tôi chưa nghe ai nói là được tính vào độ che phủ của rừng.

Xét những vùng đất trồng cây keo và bạch đàn thuần loại, chỉ quay vòng trồng – chặt trong 5 – 6, thậm chí 4 – 5 năm vẫn được tính vào diện tích rừng. Vậy so sánh với cây cao su với chu kỳ trồng – chặt đến 25 năm, tại sao không được tính vào tỷ lệ tàn che?

Các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ còn trồng nhiều cao su hơn Việt Nam, không thấy họ lên án cây cao su. Điều chúng ta cần kịch liệt lên án ở đây là lạm dụng chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp.

– Theo tìm hiểu của phóng viên, những loài cây công nghiệp này đang giải quyết lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế. Mủ cao su đối với Việt Nam vẫn được coi như “vàng trắng”. Dưới góc độ khai thác và chế biến lâm sản, nếu hạn chế những loại cây trồng này sẽ có ảnh hưởng thể nào, xin ông cho ý kiến phân tích?

Ông Ngô Sĩ Hoài: Việt Nam có gần 1 triệu ha trang trại cao su. Phải khẳng định rằng đối với nhiều vùng miền, cao su tiểu điền vẫn là cứu cánh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều cư dân nông thôn. Mấy năm trước, giá sản phẩm mủ cao su xuống thấp, thu nhập chính của ngành cao su sa sút. Bù lại, nhu cầu gỗ cao su khá ổn định, người dân có nguồn thu khi chặt cây cao su để tái canh.

Tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng đặc biệt của gỗ cao su trong công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Sau rừng trồng keo, rừng trồng cao su là nguồn cung cấp gỗ quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, trang trại cao su mỗi năm cung cấp khoảng 3 – 4 triệu m3 gỗ. Gỗ cao su chủ yếu được làm đồ mộc, xuất khẩu đi 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản. Nhiều diện tích trang trại cao su đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC và PEFC). Nếu không có rừng cao su, chắc chắn chúng ta không thể xuất khẩu mỗi năm trên 10 tỉ USD Mỹ sản phẩm gỗ. Chúng ta hãy nhìn rừng cao su, trang trại cao su – đang chủ yếu được nông dân phát triển ở quy mô tiểu điền – một cách công bằng và tỉnh táo hơn.

– Có thể nói, rừng đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình thiên tai ở nước ta ngày càng phức tạp. Trên thực tế, tranh cãi về kinh tế lâm nghiệp không còn là vấn đề cũ. Theo ông, lâm nghiệp nên được phát triển theo hướng nào?

Ông Ngô Sĩ Hoài: Có một thực tế cần nhấn mạnh, là mất rừng tự nhiên ở nước ta diễn ra từ sau năm 1975. Có lần, vào năm 1983, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói trong nghẹn ngào: “Dân đang đói, trong tay chúng ta chẳng có gì cả, viện trợ lương thực của Liên Xô thì nhỏ giọt, đành phải chặt gỗ, mang xuống đồng bằng sông Cửu Long đổi lấy gạo thôi, biết là có tội với con cháu, với tương lai, vẫn phải làm”.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia tuyệt đối ngừng khai thác rừng tự nhiên. Cụ thể, 10,3 triệu ha được quy hoạch, trong đó 2,2 triệu ha làm rừng đặc dụng – vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, 4,6 triệu ha rừng phòng hộ và 3,5 triệu ha rừng sản xuất cũng đã cấm khai thác từ 2016.

Thiên tai miền Trung vừa qua quá thảm khốc, có thể một phần do nguyên nhân mất rừng tự nhiên, quá nhiều thủy điện nhỏ. Cơn phẫn nộ trút lên đầu những người làm lâm nghiệp cũng không giúp giải quyết được vấn đề. Theo tôi, phát triển một nền lâm nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu là điều nên bàn trong những ngày này.

– Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh